Càng gần Tết, nhu cầu làm đẹp càng tăng, kèm theo đó là các báo động đỏ khi nhiều nạn nhân đến bệnh viện giải quyết hậu quả. Phóng viên KH&ĐS đã có buổi trao đổi với PGS.TS.BS Phạm Hiếu Liêm, Trưởng Bộ môn Tạo hình Thẩm mỹ, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM, nhằm giúp chúng ta có thêm kiến thức để lựa chọn phương pháp làm đẹp an toàn.
Collgagen hay filler đều có thể gây biến chứng
Thưa ông, tiêm filler và collagen trong trẻ hóa da cái nào an toàn hơn?
Tiêm filler "chất làm đầy" là một cụm từ rất thời thượng, nghe rất nhiều hiện nay, đặc biệt là do các đơn vị spa, thẩm mỹ viện quảng cáo. Chất làm đầy trên thị trường có rất nhiều loại, nhưng phổ biến nhất chiếm hơn 90% là tiêm chất làm đầy từ hợp chất có cấu tạo từ axit hyaluronic (HA) - là một phân tử đường lớn, theo tên gọi hóa học là Polysaccharide, HA khả năng giữ nước vượt trội, 1g HA có thể giữ tới 6l nước.
Axit hyaluronic có chức năng làm chất đệm và lấp đầy khoảng trống. Tiêm chất làm đầy HA sẽ ngay lập tức tạo thành một khối thể tích dày dưới da. Hiện tại, thị trường có rất nhiều loại filler và giá rất rẻ nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và biến chứng.
Nếu người tiêm không phải là các bác sĩ đúng chuyên ngành và không được đào tạo chính quy về kỹ năng tiêm filler, các biến chứng như mù mắt, tắc mạch, hoại tử, thậm chí tử vong là hoàn toàn có thể xảy ra.
Để tránh nè cụm từ filler - chất làm đầy, hiện nay một số cơ sở có chuyển qua quảng cáo là tiêm collagen cho khách hàng.
Tuy nhiên, đã là tiêm, dù filler chất làm đầy hay collagen đều có thể gây ra những biến chứng giống nhau. Collagen có thể tiêm trên bề mặt da để có tác dụng trẻ hóa hoặc cũng có thể tiêm để làm đầy.
Cũng giống như filler, khi tiêm collagen vào mạch máu có thể gây tắc nghẽn, hoại tử thậm chí là mù mắt...
Chưa kể là nhiều khách hàng khi đến spa, thẩm mỹ viện đã không biết các cơ sở spa thẩm mỹ viện đó sử dụng chất gì để tiêm vào cơ thể.
Thời gian gần đây với nhiều tin đồn truyền tai nhau về các loại chỉ collagen với khả năng chỉnh hình thẩm mỹ và tự tiêu. Nhưng thực hư về loại chỉ này như thế nào?
Cụm từ “chỉ collagen” là một cái tên gọi biến thể của một số quảng cáo phương pháp căng da mặt bằng chỉ, tức là sử dụng một số loại chỉ tự tiêu hay không tiêu để kéo căng hay làm đầy da vùng mặt.
Một trong số những loại chỉ này có tác dụng kích thích tăng sinh collagen dưới da chứ bản chất không phải là sợi chỉ được làm bằng collagen.
Đa số các loại chỉ tự tiêu sử dụng trong thẩm mỹ có tiền thân là chỉ PDO (Polydioxanone), PLLA (Poly L-Lactic Acids) và PCL (Poly Caprolactone). Các loại chỉ này được sử dụng để kéo căng da (loại có gai) và các loại chỉ nhỏ hơn được dùng để làm đầy dưới da (loại không có gai). Các chỉ này phân hủy sau khoảng 1 năm. Hiện tại, có một vài dòng chỉ có thời gian tự tiêu lâu hơn cũng được giới thiệu trên thị trường như chỉ PCL (Poly Caprolactone).
Tóm lại, chỉ collagen là không có thật, đó chỉ là cái tên gọi do các nhà bán hàng tự đặt ra. Các loại chỉ thẩm mỹ chỉ có tác dụng kích thích tăng sinh collagen chứ bản thân không chứa collagen.
Những dịp cuối năm, sau một năm làm việc vất vả, chúng ta có nhu cầu quan tâm đến chăm sóc bản thân khi đến thẩm mỹ viện, spa để tư vấn làm đẹp. Vậy cần phải chú ý gì?
Đây là một câu hỏi rất khó. Chúng ta cần phân biệt rõ ràng phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ với các thẩm mỹ viện, viện thẩm mỹ hoặc spa.
Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ được sở y tế quản lý, do các bác sĩ hoạt động trong lĩnh vực thẩm mỹ đứng tên tư vấn và trực tiếp điều trị. Còn thẩm mỹ viện, viện thẩm mỹ thì ai làm kinh doanh đều có thể xây dựng nên. Chức năng của những nơi này chỉ là chăm sóc ngoài da đơn thuần và giảm căng thẳng nhờ các phương pháp massage, thậm chí những máy móc như laser hay mesotherapy (có gây chảy máu) cũng không được phép thực hiện.
Trong một vài lần tình cờ, tôi từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân cắt mắt đến tái khám vì nhầm địa chỉ phòng khám. Hóa ra, trước đó họ từng được thực hiện thủ thuật cắt mắt tại một spa gần đó.
Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng như báo chí đã khuyến cáo về các sai phạm của những viện thẩm mỹ như Thẩm mỹ viện 108 Hà Nội - cơ sở Đà Nẵng, Viện Thẩm mỹ Chợ Rẫy hoặc Viện Thẩm mỹ Đại học Y… Qua đó mới thấy người dân bị nhầm lẫn khi các cơ sở y tế nổi tiếng bị mượn danh.
Những thủ thuật nào có thể làm vào dịp gần Tết để đón Xuân?
Nhu cầu làm đẹp ngày tết thường tăng cao, tuy nhiên, chúng ta nên chọn các thủ thuật có thể thực hiện và hồi phục trong khoảng hai đến ba tuần. Những thủ thuật chăm sóc da lên ngôi vì không phải xâm lấn hoặc chăm sóc nhiều như trẻ hóa da, săn chắc da hay những công nghệ làm sáng da. Sau những thủ thuật này da sẽ thay đổi, không phù nề nhiều, kịp đẹp để đón Tết.
Ngoài ra, người ta có thể sử dụng các công nghệ laser để trẻ hóa da; đi sâu một chút nữa ra có thể sử dụng các loại mỹ phẩm và sử dụng công nghệ mesotherapy hoặc lăn kim; hay các phẫu thuật thẩm mỹ đơn giản.
Bên cạnh đó, người ta có thể sử dụng botulinum toxin để xóa những nếp nhăn động xuất hiện khi cười nói, như cơ cau mày, cơ trán. Còn filler, chất làm đầy, sẽ được tiêm vào các hõm như rãnh mũi má, rãnh nước mắt... Khi có tuổi, da ở các rãnh này bị chảy sệ xuống, hằn sâu. Tiêm botox hay filler chỉ cần 10 - 15 phút. Filler có hiệu quả liền lập tức vì bản chất làm đầy, giúp trẻ hóa còn botox tác dụng sau 48h. Tuy nhiên, đây cũng là thủ thuật xâm lấn.
Các thủ thuật làm đẹp trên có thể thực hiện trong thời gian 2 - 3 tuần trước Tết. Một vài thủ thuật khác có thể làm trước Tết khoảng 1 tháng hoặc 3 tuần để kịp đẹp đón Tết, ví dụ, mắt bị chảy sệ vì lão hóa; khiến khuôn mặt tối và buồn, có thể lấy da thừa mí trên hay lấy da thừa mi dưới hay mi trên.
Xin cảm ơn PGS.TS.BS Phạm Hiếu Liêm!
Nguồn: https://khoahocdoisong.vn/nhung-chieu-so-lam-dep-lua-ngot-khach-hang-162298.html