•  Giờ làm việc: 09:00 - 22:00 (Thứ 2 - CN).

Hiện nay có 3 kỹ thuật cắt mắt 2 mí đó là: Bấm Mí, Cắt Mí và Tạo hình nếp mí đôi

Hình ảnh tham khảo

Đôi mắt to tròn với nếp gấp mí rõ ràng luôn là “cửa sổ” cuốn hút mọi ánh nhìn. Bởi thế mà đây chính là niềm ao ước của biết bao phụ nữ, không chỉ những cô gái trẻ tuổi đôi mươi mà cả những phụ nữ trung niên hay thậm chí lớn tuổi hơn. Với sự phát triển ngày càng rầm rộ của ngành phẫu thuật thẩm mỹ, tạo hình mắt 2 mí đã và đang trở thành một phương pháp quen thuộc, phổ biến với rất nhiều người trong giới mộ điệu. Hãy cùng chúng tôi điểm qua các phương pháp phẫu thuật tạo hình mắt 2 mí phổ biến nhất hiện nay nhé.

TẠO HÌNH NẾP MÍ ĐÔI 

Tạo hình nếp mí đôi hay còn gọi là cắt mắt 2 mí sẽ giúp tạo ra một nếp gấp tự nhiên ở mí mắt trên khi ở trạng thái mở. Mí mắt là cấu trúc rất mảnh nhưng lại rất phức tạp của cơ thể, bao gồm nhiều lớp da, mỡ, cơ, kết mạc và sụn mi. Trong số đó, cơ nâng mi là thành phần chính nối liền với sụn mi ở mí mắt trên, có nhiệm vụ nâng mí mắt trên và tạo nếp gấp mí ở phần da bên trong.

Tạo hình mắt hai mí bằng phương pháp, kỹ thuật nào sẽ còn tùy vào nhiều yếu tố bao gồm: mức độ da và mỡ thừa, độ phồng của mí mắt (độ dày của bọng mỡ), chức năng của cơ nâng mi (có bị suy yếu hay không); có bị sụp mí hay xệ lông mày hoặc có mắc chứng lồi mắt hay không. Với những người mà mí mắt trên có bọng mỡ dày (mắt bụp) thì mỡ cần được loại bỏ một cách tối đa và nếp mí mới cần được tạo ở vị trí thấp nhất có thể. Nếu nếp mí được tạo quá cao thì sẽ khiến cho khe mi mắt bị mở to hết cỡ và gây khó chịu khi mở mắt, đặc biệt là trong những trường hợp mí mắt bị sụp. Trong những trường hợp bị lồi mắt thì nếp mí cũng cần được tạo thấp hơn bình thường để tránh làm cho mắt có nếp mí cao bất thường.

Các phương pháp phẫu thuật tạo hình mắt hai mí

Hiện tại có 3 phương pháp tạo mắt hai mí chính bao gồm:

 - Nhấn mí/bấm mí luồn chỉ

 - Tạo mắt hai mí bằng phẫu thuật cắt mí một phần 

 - Tạo mắt hai mí bằng phẫu thuật cắt mí toàn phần

Nhấn mí/bấm mí luồn chỉ

Chỉ định

Kỹ thuật nhấn mí/bấm mí luồn chỉ  phù hợp với những người: có mắt một mí hoặc mí lót, nhưng mắt không bị bụp nặng, lớp mô mềm ở mí mắt không quá dày, không có mỡ thừa và da chùng nhão ở mí mắt trên, không cần phải cắt bỏ mỡ và da thừa. Ngoài ra bệnh nhân bấm mí cũng không được bị sụp mí nặng hoặc bị suy yếu chức năng cơ nâng mi.

Ưu điểm:

 - Không phẫu thuật

 - Hồi phục nhanh chóng

 - Không để lại sẹo

Nhược điểm:

 - Không khắc phục được các tình trạng mắt bụp hoặc sụp mí nặng

 - Không thể cắt bỏ túi mỡ và mô mềm quanh hốc mắt

 - Không loại bỏ được da thừa

 - Nếp mí mới tạo nhanh biến mất

Quy trình thực hiện:

 

 

Trong bấm mí luồn chỉ có nhiều kỹ thuật khác nhau, tùy từng tình trạng của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ có thể chọn cách bấm mí hoặc rạch ở 3 điểm, 5 điểm hoặc thậm chí 7 điểm để tạo mắt 2 mí. Ngoài ra với kỹ thuật luồn chỉ, các bác sĩ cũng có thể áp dụng cách khâu nhiều mũi đơn (mỗi mũi một nút thắt riêng), hoặc khâu nhiều mũi liên tục với chỉ một nút thắt ở đầu nếp mí và một nút thắt ở cuối nếp mí.

Xác định và đánh dấu vị trí nếp mí cần tạo: Xác định ví trí nếp mí ở tư thế bệnh nhân đứng hoặc ngồi vì hình dạng của mắt có thể thay đổi khi nằm xuống. Nếp mí có thể được xác định bắt đầu ở 3 vị trí khác nhau: ở dưới nếp rẻ quạt; trên nếp rẻ quạt hoặc ở giữa hai vị trí trên.

Sau khi xác định được kiểu nếp mí cần tạo, bác sĩ sẽ đánh dấu nếp mí bằng bút chuyên dụng theo đường cong tự nhiên trên mí mắt. Chiều cao của nếp mí khi nhắm mắt lý tưởng nhất là từ 6 – 8mm tính từ lông mi. Sau khi đánh dấu đường nếp mí, bác sĩ sẽ đánh dấu thêm một vài điểm trên đường cong nằm ngang (xem hình trên), đây chính là các vị trí để luồn chỉ.

Gây tê: Áp dụng hình thức gây tê tại chỗ kết hợp tiền mê.

Thực hiện:

 - Với trường hợp mí mắt trên không có bọng mỡ, không bị phồng bụp: Bác sĩ dùng miếng bảo vệ bằng nhựa để chắn vào nhãn cầu, sau đó dùng kim bấm lỗ 26G để bấm vào các điểm đã đánh dấu trên đường nằm ngang. Đây chính là những vị trí vào và ra của chỉ nylon bấm mí.

 - Với trường hợp mí mắt trên bị phồng bụp nhẹ, thay vì dùng kim bấm, bác sĩ dùng dao số 11 để rạch các đường nhỏ, qua đó loại bỏ bớt mỡ bọng ở phần đuôi của mí mắt.

Sau đó, bác sĩ tiến hành luồn chỉ qua các điểm đã xác định để tạo liên kết giữa da và sụn mi, qua đó hình thành nếp mí đôi.

Cắt mí một phần

Kỹ thuật tạo mắt hai mí bằng phẫu thuật cắt mí một phần  được đánh giá là cân bằng giữa kỹ thuật bấm mí và rạch toàn phần.

Chỉ định: Dành cho những bệnh nhân còn trẻ tuổi, có mắt một mí hoặc mắt mí lót nhưng mí mắt trên chỉ bị dày và bụp ở mức vừa phải, có lượng mỡ và da thừa cần cắt bỏ ở mức vừa phải, hoặc bị sụp mi nhẹ.

Ưu điểm:

 - Đường rạch ngắn, hạn chế sưng phù và nguy cơ để lại sẹo

 - Xử lý được mỡ và da thừa ở vùng giữa mí

 - Tạo nếp mí duy trì lâu hơn so với kỹ thuật bấm mí luồn chỉ

Hồi phục nhanh hơn so với kỹ thuật rạch toàn phần

Nhược điểm:

 - Đường rạch ngắn nên không xử lý được hết các vấn đề ở vùng góc và đuôi mí mắt trên

 - Đường rạch ngắn nên không có khả năng tạo hình nếp mí như mong muốn: ví dụ nếp mí kín (bắt đầu từ dưới nếp rẻ quạt)

 - Đường rạch kết thúc đột ngột nên nguy cơ sẹo dễ nhìn thấy hơn

Thời gian duy trì nếp mí ngắn hơn so với kỹ thuật rạch toàn phần

Quy trình thực hiện:

 

Bác sĩ đánh dấu và xác định vị trí nếp mí khi nhắm mắt, thường cách bờ mi trên từ 6 – 8 mm. Sau khi gây tê, bác sĩ rạch một đường ngắn chỉ bằng khoảng 1/3 chiều dài mí mắt (khoảng 1,5 cm), rồi bóc tách bớt phần mỡ ở giữa mí trên. Cuối cùng khâu cố định da – cân cơ nâng mi để tạo nếp mí.

 

Cắt mí bằng đường rạch toàn phần

Chỉ định: Kỹ thuật tạo mắt hai mí bằng phẫu thuật cắt mí toàn phần phù hợp với những người mắt một mí, mắt mí lót, mí ẩn nhưng mí mắt trên dày, bị bụp có nhiều mỡ và da thừa cần xử lý cắt bỏ. Hay những người có mí mắt không đều, bị bệnh sụp mi bẩm sinh, hai mắt không cân nhau hay khe mi nhỏ.

Ưu điểm:

 - Xử lý triệt để các vấn đề về da và mỡ thừa ở mí mắt trên

 - Có thể tạo kiểu nếp mí và hình dạng mắt (ví dụ hình bầu dục hoặc hình tròn) theo mong muốn

 - Có thể điều chỉnh được vùng góc mắt trong bằng cách kéo dài đường rạch về phía này nếu bệnh nhân cần kết hợp mở góc mắt trong

 - Nếp mí giữ được lâu

Nhược điểm:

 - Đường rạch dài, nguy cơ sưng bầm nhiều và để lại sẹo dài

 - Thời gian hồi phục lâu (thường mất 1 tuần để giảm sưng phù)

Quy trình thực hiện:

Trước khi tiến hành phẫu thuật bác sĩ cần đánh giá tình trạng mỡ, da thừa và xác định xem lông mi có bị hướng xuống dưới không, nếu bị hướng xuống dưới là do da mí mắt trên bị xệ và cần xử lý trong quá trình phẫu thuật.

Ngoài ra bác sĩ cũng đần đánh giá vị trí lông mày và tình trạng sụp mí. Nếu lông mày ở cao hơn so với vị trí bình thường thì có thể là bệnh nhân bị sụp mí (vì sụp mí nên bệnh nhân thường phải nhướng lông mày lên để mở to mắt hơn, do đó lông mày ở vị trí cao hơn). Trong trường hợp này cần khắc phục sụp mí trước khi tạo mắt hai mí. Mức độ sụp mí có thể xác định bằng cách đo chiều cao khe mi mắt và khoảng cách từ điểm chính giữa bờ mi trên tới điểm phản xạ ánh sáng của đồng tử. Nhưng nếu trường hợp lông mày xệ xuống thấp, dưới vị trí bình thường thì có thể là do bệnh nhân bị xệ lông mày, trong trường hợp này cần phẫu thuật nâng/treo lông mày trước khi tạo mắt hai mí để duy trì kết quả mí đôi lâu dài.

Sau khi đánh giá các vấn đề trên, bác sĩ sẽ xác định chiều cao nếp mí phù hợp cũng như vị trí đường rạch, rồi gây tê và tiến hành rạch mổ. Đường rạch sẽ kéo dài toàn bộ nếp mí từ góc trong về phía đuôi mắt. Phần đường rạch ở giữa mí mắt sẽ là phần cao nhất so với bờ mi. Hình dạng của nếp mí phụ thuộc vào nếp rẻ quạt ở khóe mắt. Để hạn chế chảy máu, bác sĩ có thể dùng laser CO2 hoặc sóng cao tần, sau đó cắt bỏ da giữa hai đường rạch – lưu ý chỉ cắt đi lớp ngay bên dưới da. Sau đó tiếp tục rạch để tiếp cận các túi mỡ và bóc tách cắt bỏ một phần. Cuối cùng khâu cố định nếp mí. Lưu ý không được khâu quá cao, vì sẽ làm cho nếp mí bị sâu và kéo lông mi lật lên trên (gây biến chứng lật mi trên). Điều này làm cho mí mắt không tự nhiên và tạo nên một đường rãnh sâu khi nhắm mắt. Ngược lại nếu khâu cố định quá thấp so với chiều cao đã xác định của nếp mí thì sẽ tạo nên các nếp nhăn và mí mắt bị phồng (nếp mí xúc xích)

Cố định nếp mí một cách phù hợp có thể cải thiện được cả hướng lông mi ở những trường hợp có lông mi mọc hướng xuống dưới và quặm mi bởi hướng mọc của lông mi có thể được điều chỉnh trong quá trình khâu cố định.

Sau khi cố định nếp mí, bác sĩ sẽ tiến hành khâu đóng đường rạch bằng chỉ nylon 6/0 hoặc chỉ tự tiêu nhanh 6/0 với kỹ thuật mũi khâu liên tục hoặc mũi khâu rời.

Quá trình hồi phục

Sau khi cắt mí, vết mổ cần được vệ sinh mỗi ngày và bôi thuốc mỡ tra mắt kháng sinh trong vòng 3 tuần. Bệnh nhân cần chườm đá liên tục để giảm sưng và tụ máu trong vòng 24 – 48 tiếng đầu. Mặc dù không cần thiết phải uống thuốc kháng sinh nhưng các bác sĩ thường vẫn chỉ định uống trong vòng 3 ngày để ngăn ngừa nhiễm trùng. Chỉ khâu được tháo bỏ trong vòng 5 – 7 ngày, tùy thuộc vào chất liệu chỉ khâu. Có thể trang điểm mắt trở lại sau khoảng 2 tuần. Đôi khi có thể dùng thuốc mỡ hoặc các loại thuốc uống trị sẹo để hạn chế sự hình thành sẹo sau khi cắt mí.

 

Cần tư vấn và giải thích kỹ càng hơn hãy liên hệ:
PGS. TS. BS Phạm Hiếu Liêm:
– Chuyên gia về Phẫu thuật Thẩm mỹ với hơn 20 năm kinh nghiệm.
– Tốt nghiệp tiến sĩ Phẫu thuật Tạo hình Tái tạo và Thẩm mỹ tại đại học Kyoto, Nhật Bản.
Số điện thoại: 0918 000 155 (Dr. Liêm)
Hotline: 0814 656 656
Website: https://thammykyoto.vn/
Facebook: https://www.facebook.com/pgs.ts.bs.phamhieuliem

Copyright © 2020 - Phòng khám Thẩm mỹ Kyoto Nhật Bản - Dr. Hiếu Liêm

Hỗ trợ (24/7) 0918.000.155