CẮT U BÃ ĐẬU LÀ GÌ?
U bã đậu là một dạng u bướu lành tính. Chúng có vỏ bọc, bên trong là tổ chức bã mềm như bã đậu, có màu vàng nhạt hoặc trắng đục. U thường xuất hiện ở vị trí nhiều mồ hôi, ẩm ướt như nách, bẹn…
Cắt u bã đậu được đánh giá là phương pháp điều trị triệt để nhất, giúp loại bỏ toàn bộ khối u và vỏ bọc của nó. Đây là một tiểu phẫu khá đơn giản. Trước hết người bệnh được gây tê tại chỗ, sau đó bác sĩ sẽ tạo một vết rạch nhỏ ở vị trí khối u, tiếp đến là cắt bỏ toàn bộ khối u và vỏ bọc. Cuối cùng là cầm máu và khâu vết mổ. Trung bình thời gian thực hiện tiểu phẫu là 30 phút, bệnh nhân có thể về nhà ngay trong ngày.
AI CẦN CẮT U BÃ ĐẬU?
Về bản chất u bã đậu không phải là mụn, nhọt…như nhiều người vẫn nghĩ. Có không ít trường hợp tự ý rạch, nặn, lấy tổ chức bên trong dẫn tới tình trạng tái đi tái lại nhiều lần. Phẫu thuật là phương pháp điều trị triệt để nhất. Theo lời khuyên của các bác sĩ nên cắt bỏ bã đậu sớm khi chưa bội nhiễm và kích thước còn nhỏ (kích thước khoảng 1 – 2 cm). Nếu để kéo dài cho đến khi u bã đậu đã bội nhiễm, chảy mủ và viêm loét kéo dài thì mới bắt đầu điều trị. Cắt bỏ u bã đậu lúc này không những gây đau đớn, tốn kém về tiền bạc hơn cho người bệnh mà còn có nguy cơ để lại sẹo xấu.
BIẾN CHỨNG CÓ THỂ GẶP CỦA U BÃ ĐẬU
U bã đậu là lành tính, không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không điều trị u có thể phát triển rất nhanh gây vướng víu, cản trở sinh hoạt và ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Nguy hiểm hơn nếu tạo thành ổ viêm, u sẽ sưng, nóng, đỏ, đau… dẫn tới hoại tử.
Thực tế cho thấy khi u bã đậu chưa có ảnh hưởng gì đáng kể người bệnh thường không muốn đi khám hoặc khám nhưng chưa muốn điều trị. Tuy nhiên đây là giai đoạn điều trị thích hợp và dễ dàng nhất.